Lịch sử Đại học Chiết Giang

Thời Thanh

Lâm Khải, người sáng lập ZJU

Năm 1897, Tri phủ Hàng Châu Lâm Khải (zh) (phồn thể: 林啓; giản thể: 林启; bính âm: Lín Qǐ; Wade–Giles: Lin Ch'i) đã thành lập "Thư viện Cầu Thị" (求是書院; 求是书院; Qiúshì Shūyuàn; Ch'iu-shih-shu-yüan).[14] Đây là một trong những cơ sở giáo dục đầu tiên ở Trung Quốc áp dụng hệ thống giáo dục đại học của phương Tây. Theo hai sắc lệnh về trường cao đẳng do triều đình nhà Thanh ban bố dưới triều Hoàng đế Quang Tự, Thư viện Cầu Thị lần lượt được đổi tên thành Chiết Giang đại học đường (浙江大學堂; 浙江大学堂; Zhèjiāng Dàxuétáng) vào năm 1902, và thành Chiết Giang cao đẳng học đường (浙江高等学堂) vào năm 1903.[15]

1912–1937

Năm 1912, sau khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập, chính phủ Bắc Dương đã đổi tên Chiết Giang cao đẳng học đường thành Trường cao đẳng Chiết Giang (浙江高等学校; "Chiết Giang cao đẳng học giáo"). Cũng trong năm này, Trường chuyên Y học Chiết Giang (浙江医学专门学校) được thành lập, sau này phát triển thành Viện Y học thuộc Trường Đại học Chiết Giang (thường gọi là "Chiết Y").

Năm 1927, sau khi chiếm được Hàng Châu trong cuộc chiến tranh bắc phạt, chính phủ Quốc dân đã thiết lập trường Đại học Quốc lập Trung Sơn thứ 3 (国立第三中山大学; "Quốc lập đệ tam Trung Sơn đại học") tại vị trí trường cao đẳng Chiết Giang trên cơ sở nhiều trường cao đẳng để kỷ niệm ngày sinh của Tôn Trung Sơn. Ngày 1 tháng 4 năm 1928, trường được đổi tên thành "Đại học Chiết Giang". Đến ngày 1 tháng 7 cùng năm, hai chữ "Quốc lập" được thêm vào và trường trở thành "Đại học Quốc lập Chiết Giang" (國立浙江大學; 国立浙江大学; Guólì Zhèjiāng Dàxué; "Quốc lập Chiết Giang Đại học"). Tháng 4 năm 1936, Tưởng Giới Thạch bổ nhiệm Trúc Khả Trinh làm hiểu trưởng Đại học Chiết Giang.[16]

1937–1949, thời kỳ chiến tranh

Các nhà khoa học làm việc tại ZJU trong chiến tranh

Ngày 7 tháng 7 năm 1937, xảy ra sự kiện cầu Lư Câu, khởi đầu cho Chiến tranh Trung–Nhật; cuộc chiến nhanh chóng ảnh hưởng đến Đại học Chiết Giang. Tháng 11 cùng năm, dưới chỉ thị của Tưởng Giới Thạch, Trúc Khả Trinh đã huy động tất cả giáo viên, học sinh và nhân viên mang theo số lượng lớn sách vở và thiết bị dạy học sơ tán về Quý Châu. Giáo viên và học sinh đã dạy và học tại đây cho đến khi chiến tranh kết thúc vào năm 1946.

Được Joseph Needham mệnh danh là "Cambridge của phương Đông",[17][18] Đại học Quốc lập Chiết Giang liên tục được xếp vào top 3 toàn quốc.[19] Trong suốt khoảng thời gian này, Đại học Quốc lập Chiết Giang được xem là 1 trong 4 trường đại học nổi bật nhất của Trung Hoa Dân Quốc bên cạnh Đại học quốc lập Trung ương, Đại học Quốc lập Liên kết Tây Nam và Đại học Quốc lập Vũ Hán.

1952–1998

Trong quá trình điều chỉnh lại Hệ thống Giáo dục Đại học của Trung Quốc từ năm 1952, một số khoa và viện của Đại học Chiết Giang được tách thành các trường cao đẳng chuyên ngành. Trước năm 1952, Đại học Chiết Giang có tất cả 7 khoa: văn, lý, nông, công, pháp, y và sư phạm. Sau khi tiến hành điều chỉnh:

  • Viện Lý học:
  • Viện Văn học và viện Sư Phạm
  • Viện pháp học bị hủy bỏ
  • Viện y học được nhập vào Học viện Y Chiết Giang.
  • Viện nông học trở thành Đại học Nông nghiệp Chiết Giang.
  • Viện công học
    • Hệ hàng không của Đại học Chiết Giang cùng với các hệ tương ứng thuộc Đại học Trung ương và Đại học Giao thông được hợp nhất trở thành Học viện Hàng không Hoa Đông (nay là Đại học Công nghiệp Tây Bắc).
    • Hệ kiến trúc và thủy lợi được nhập vào Học viện Thủy lợi Hoa Đông (nay là Đại học Hà Hải)
    • Hệ điện cơ và điện tín được nhập vào Học viện công Nam Kinh (nay là Đại học Đông Nam)

Sau năm 1998

Năm 1998, với sự chấp thuận của Quốc vụ viện, Đại học Chiết Giang mới được thành lập trên cơ sở kết hợp bốn trường đại học lớn và lâu đời ở Hàng Châu trong nửa thế kỷ trước là Đại học Chiết Giang, Đại học Hàng Châu, Đại học Nông nghiệp Chiết Giang và Đại học Y khoa Chiết Giang.

Vào ngày 21 tháng 9 năm 2006, tỷ phú Trung Quốc Đoàn Vĩnh Bình (cựu sinh viên Chiết Đại) và Đinh Lỗi (người gốc Chiết Giang) đã quyên tặng tổng cộng 40 triệu USD cho Đại học Chiết Gian. Đây là khoản tài trợ tư nhân lớn nhất dành cho một trường đại học ở Trung Quốc Đại lục.[20] Một buổi lễ đã được tổ chức tại Cơ sở Tử Kim Cảng mới thành lập để nhận tiền quyên góp.[21]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đại học Chiết Giang http://www.universityrankings.ch/institutions/id11... http://www.zju.edu.cn/512/list.htm http://www.zju.edu.cn/c2021559/catalog.html http://www.zju.edu.cn/english/2018/0521/c19589a812... http://www.zju.edu.cn/english/2018/0521/c19590a812... http://www.zju.edu.cn/english/2018/0521/c19590a812... http://www.zju.edu.cn/english/redir.php?catalog_id... http://www.zju.edu.cn/english/study/list.htm http://www.zju.edu.cn/zdxw/jd/read.php?recid=17965 http://www.moe.gov.cn/srcsite/A22/moe_843/201709/t...